Phật giáo – Cầu nối văn hóa trà

Phật giáo – Cầu nối văn hóa trà

Những năm cuối thế kỉ 4, Phật giáo từ Trung quốc được truyền sang Triều Tiên. Cùng với sự qua lại thân thiết của các thiền sư thuộc các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, của hai nước, trà đã được đưa sang bán đảo Triều Tiên. Vào thế kỉ 12, các chùa nổi tiếng của Triều Tiên như Bảo Khánh Ca, Bảo Lâm, Tùng Ứng đều bắt đầu đề xuất, khởi xướng việc uống trà. Không lâu sau đó, phong tục uống trà cũng được lưu hành rộng rãi trong nhân dân.

Mặc dù từ thời Hán trà của Trung quốc đã được truyền sang Nhật Bản, nhưng phải đến thời Đường Tống, nhờ có sự khởi xướng truyền bá của tăng ni Phật tử nên việc uống trà mới trở thành một tập tục quan trọng trong đời sống của nhân dân Nhật Bản.

Thời Đường, hai vị thiền sư của Nhật Bản là Tối Trừng và Không Hải sang Trung quốc du học. Khi về nước, hai ông đã đem theo các giống trà, phương pháp trồng trà, các công cụ chế biến trà và trồng trà xung quanh chùa. Việc này nhận được sự tán dương của Thiên hoàng Nhật Bản lúc bấy giờ.
Thời Tống, thiền sư Vinh Tây của Nhật Bản đã dựa vào các phương pháp uống trà của chùa chiền Trung quốc để chế định ra nghi thức uống trà, sau đó viết bộ sách “Ngật trà dưỡng sinh kí” (Uống trà làm tăng cường sinh khí). Bộ sách này được coi là bộ sách đầu tiên của Nhật Bản viết về trà, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy phong tục uống trà trong xã hội Nhật Bản.
Thời Nguyên, thiền sư Thánh Nhất của Nhật Bản đã đem tập tục “đấu trà” và “phương thức rót trà” của Trung quốc về quảng bá ở Nhật.
Nói tóm lại, Trung quốc là quê hương của trà. Phật giáo không chỉ cống hiến to lớn trên các phương diện như trồng trà, uống trà, mà còn trở thành một cây cầu quảng bá trà của Trung quốc ra thế giới.

14. Những truyền thuyết Phật giáo và trà

Các danh lam cổ tự của Trung quốc thường ẩn mình trong thâm sơn cùng cốc, non cao nước biếc, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, rất phù hợp với việc trồng và sự tăng trưởng của cây trà. Những tư liệu cổ ghi chép lại rằng các tăng ni trong chùa bắt đầu trồng trà từ rất sớm và đã lưu truyền lại cho hậu thế nhiều loại trà ngon, nổi tiếng. Ví dụ như trà Mông Đỉnh của Tứ Xuyên, trà Bích La Xuân của Tô Châu, trà Tùng La của An Huy, trà Mao Phong của Hoàng Sơn, trà Sơn Nham của Vũ Nghi… Các loại trà như trà Phật núi Phổ Đà, trà Thiết Quan Âm của Phúc Kiến còn được đặt tên trực tiếp bằng danh hiệu Phật.
Lục Vũ – người được mệnh danh là “Thần trà” cũng lớn lên từ cửa chùa. Từ đó có thể thấy mối nhân duyên giữa trà và thiền sâu sắc đến mức nào.
Những truyền thuyết về Phật giáo và trà còn được lưu truyền đến ngày nay đã trở thành những câu chuyện thần kì giả tưởng có sức thu hút rất lớn trong văn hóa thiền trà.

Xem bóng đá Online